Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

VẠN NGÔN THƯ

Bức vạn ngôn thư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là của Lê Cảnh Tuân, ông sinh ở Hải Dương, nguyên quán ở Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần và muốn phát triển đất nước, ông thay đổi một loạt chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi các công hầu khanh tướng và địa vị của các sĩ phu địa chủ nên nhiều người đã không đồng tình.

Lê Cảnh Tuân là một sĩ phu, ông bày mưu khuyên bạn thân là Bùi Bá Kỳ sang Bắc Kinh xin quân đánh Hồ phù Trần. Thời điểm này rất nhiều người khác cũng phản bội nhà Hồ và đất nước nhanh chóng bị nhà Minh chiếm đoạt.

Khi nhà Hồ thất bại Bùi Bá Kỳ được nhà Minh cho làm chức Hữu tham nghị. 

Lê Cảnh Tuân thất vọng vì biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần mà chỉ mượn cớ phù Trần duyệt Hồ để chiếm nước ta, ông viết “Vạn ngôn thư” (Bức thư một vạn chữ) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa.

Về sau, bức “vạn ngôn thư” đã bị nhà Minh thu giữ cùng với các bộ sách bí truyền của Trần Hưng Đạo như cuốn “ Binh thư yếu lược” và cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền” cùng nhiều bộ sách khác của Việt Nam.

Đại ý bức thư như sau:
....Nhà Minh đã sắc phong cho ngài theo quân họ sang đánh, chờ bắt được nhà Hồ, chọn lập con cháu họ Trần, gia thêm tước để giúp nước. Thế mà nay chỉ thấy họ lập ty Bố chánh, phong ngài tước cao, còn nhà Trần thì chỉ cho người quét dọn miếu thờ. Vậy nếu ngài có thể lại tâu lên, xét lời nói của các quan lại, kỳ lại bày tỏ việc con cháu họ Trần chưa tuyệt, để họ tuyên chiếu khác sắc phong cho họ Trần. Đấy là thượng sách. Không thể thì ngài xin thôi chức, chỉ xin làm viên quan coi miếu nhà Trần, đấy là trung sách. Còn nếu ngài nhận chức quan cao, ăn lộc nhiều, thì là hạ sách vậy. Như ngài theo thượng sách, thì tôi xin làm các vị nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì sung vào giỏ thuốc để cho ngài dùng. Theo trung sách thì tôi xin bưng khay chén đi lại trong miếu cũng để ngài sai bảo. Còn nếu theo hạ sách thì tôi sẽ đi cày ruộng nơi tịch mịch, nhàn hạ, để cho trọn những năm sống thừa mà thôi...

Sau đó, nhà Minh bắt hàng loạt thanh niên tuấn tú về Bắc Kinh bắt cung hình để làm thái giám hoặc làm nô dịch cho các nhà quyền quý, các thiếu nữ xinh đẹp thì làm nô tỳ, các chí sĩ và công thần đương thời có chút hiểu biết và công lao đều bị nhà Minh tìm cách quy tội để diệt trừ. Lê Cảnh Tuân và Bùi Bá Kỷ cũng không thoát tội. Thật xót xa cho những kẻ cõng rắn về nhà.

Nay nghĩ đến ông Bùi Hiền đang nghiên cứu thay đổi chữ Việt, không biết ông ta nghĩ đến cái chính chuyên của kẻ sĩ không hay lại nghĩ đến phận tôi đòi....?


Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

LÊ QUÝ ĐÔN GIAI THOẠI

Lê Quý Đôn được ghi nhận là nhà khoa học toàn năng của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, ông nổi tiếng thông minh và trí nhớ tuyệt vời, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, cái bụng chứa đầy kinh luân và mưu lược. Chúa Trịnh đã tặng ông bảy chữ là “ Thiên hạ vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là trong thiên hạ có điều gì chưa biết thì hỏi Quý Đôn.
Lấy làm hãnh diện, ông cho người khắc mấy chữ trên bảng gỗ sơn son thếp vàng “Vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là không biết gì thì hỏi Quý Đôn. Đi đâu cũng treo cái biển trước kiệu, tiền hô hậu ủng, dương dương tự đắc, tuổi còn trẻ, mới ngoài 30.
Một hôm trên đường kinh lý, một ông già tóc bạc có dáng nho gia phong nhã, tay cầm cần trúc, đứng chặn giữa đường mà rằng.
- Nghe danh quan lớn đã lâu, nay hân hạnh được hội ngộ và xin nhờ quan lớn một việc.
-Ông có việc gì nói ta nghe.
-Lão già này thân côi, một mình coi mảnh đất hương hỏa và nhà thờ tổ tông, con cháu vì cảnh nghèo, nên mỗi đứa một phương trời, mãi không thấy chúng nó về cho.
-Vậy thì có gì mà phải nhờ.
-Số là trong làng có thầy lý trưởng, bức bách muốn ép lão bán rẻ miếng đất, lão không muốn thất đức với tổ tông, thầy lý đang làm khó dễ.
-Lão cứ nói.
-Thầy lý ra câu đối, yêu cầu trong 7 ngày phải đối lại, nếu không đối được sẽ bị khép tội mạo danh nhà nho, câu đối như vầy:
“Ba ba mà nấu nồi ba, tam tam như cửu hỏi là chín chưa” Hôm nay là hạn chót, lão nhờ quan lớn đố giúp cho.
Quý Đôn nghe xong câu đối thấy bối rối, câu đối là vần thơ, lại có cả âm hán và âm nôm, số với chữ, cộng với nhân… Linh tính mách bảo cho ông rằng đây là vị cao nhân sống ẩn, bèn xuống kiệu thi lễ: Kẻ hậu bối còn trẻ, tính còn kiêu căng, không thấy núi thái sơn, nay hân hạnh gặp được tiên sinh, cúi xin vài lời chỉ dạy.
-Lão còn phải đi câu kiếm ăn, không dám làm phiền quan lớn. Vậy cái bảng kia treo để làm gì ?
-Quý Đôn xấu hổ, từ đó ông bỏ hẳn cái bảng khắc năm chữ “Vô tri vấn Quý Đôn”.
Vậy đấy, dù quyền cao chức lớn, nhưng kẻ sĩ ngày xưa luôn giữ gìn danh dự và luôn tôn trọng những cái đúng. Không như thời nay, như bà Đoàn Hương vừa rồi, có một tý bằng cấp mà đã coi thường thiên hạ.