Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

 LƯU TRỮ MỘT SỐ BÀI THƠ TỰ LÀM


1. tưởng nhớ ngày 27.7.2021

Đất nước đã sinh thành
Những người con vĩ đại
Những chiến sĩ vô danh
Hòa bình không trở lại
Ơi quê hương mênh mông
Tổ quốc đẹp vô cùng!
Mở rộng lòng đất mẹ bao dung
Ru ngàn năm giấc ngủ những anh hùng...

2. GIỖ VUA HÙNG (20.4.2021)
Ngày mai là giỗ Hùng Vương
Cầu mong các cụ dẹp phường điêu toa
Dẹp luôn mấy đứa tiểu nhân
Nếu chúng tồn tại, khổ dân chân tình...

3. CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2021
(Chúc tất cả các bạn)
Chúc sang năm mới niềm vui mới
Phúc lộc nghênh xuân đến cửa mời
Mở rộng lòng ra ta đón tết
Vui cùng con cháu lúc xuân sang
Chúc tuổi thanh niên thành công mới
Tạo chút vinh hoa sánh với đời
Năm trâu nên phải chăm cày cuốc
Gắng sức, công thành chẳng nói chơi.
Chúc bậc cao niên vui vẻ sống
Với cảnh quê hương với cộng đồng
Chúc cho trai gái hoàn gia thất
Con cháu vui tươi với xuân hồng.
01.01.Tân sửu.

4. NGÀY 22 THÁNG 12 (2021)
(những người lính cụ Hồ)
Những tháng ngày đánh Mỹ
Giản dị và đơn sơ
Cuộc đời người chiến sĩ
Đẹp như một bài thơ...
Đất nước nhớ các anh.
Những chiến công vĩ đại
Tổ quốc đã vinh danh
Những anh hùng thời đại!

5. TẬP LÀM THƠ!
(mến tặng anh Bá Kiến và những người bạn già đang học làm thơ)
Bản tính xưa nay vốn dại khờ
Dư thời rảnh rỗi học làm thơ
Tuổi đời nay đã ngoài sáu chục
Gieo vần bằng trắc vẫn ngu ngơ.
Buông hồn quay lại thời xa vắng
Một bóng hình ai thoáng tỏ mờ
Áng chiều buông rủ bên bờ suối
Mặt nước soi gương, cảnh hững hờ
Say sưa mơ bóng nguời tri kỷ
Trong ánh hoàng hôn vẫn đợi chờ...
03.11.2020

6. NGÀY 20 THÁNG 10
(Tặng các chị em phụ nữ VN)
Hôm nay họp hội uống trà
Hỏi thăm các cụ mua quà tặng chưa?
Các cụ phán chỉ nói rằng
Lương hưu ít, mất cân bằng thu chi.
Tặng lời vàng ngọc được rồi
Hơn là ong bướm như thời còn non.
Phụ nữ là những bông hoa
Bông trong chậu cảnh, bông ra trên rừng
Gặp thì bông nở thắm trời
Thất thì bông nở như nơi đất cằn!
Cho dù hoa chỉ có thời
Nam nhi biết giữ, cả đời yên vui
Chỉ khi âm thịnh dương tàn
Cân bằng xáo trộn thì tan cả nhà.
Ngày làm tám tiếng lĩnh lương,
Tối về cơm nước mắm tương... tảo tần
“Đương khi lửa tắt cơm sôi,
Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem” (*).
Có đêm ngủ ít thức nhiều
Lo con ốm, lo chiều chồng ai hay?
Cuộc đời vui khổ có nhau
Âm dương hòa hợp như cau với trầu!
Mong chị em hiểu cho cùng...
(*) Câu thơ của Nguyễn Khuyến

7. CẢM TÁC (13.10.2020)
(Mến tặng anh Sơn và những người bạn)
Số phận xoay quanh mỗi cuộc đời
Người thì nặng gánh, kẻ rong chơi
Lên voi xuống chó nhiều anh khổ
Quỵ lụy xin cho lắm kẻ hời.
****
Thiên địa đong đưa định thế thời
Thái lai bỉ cực khắp muôn nơi
Vận khứ vô ngôn, anh hùng tận!
Thời lai hữu lý, kẻ nên người!
****
Hay cho vài kẻ chăm luồn cúi
Dở người quân tử lúc chơi vơi
“Thế sự thăng trầm, ai biết được,
Thôi đành im lặng, phủ ngư chơi” (*)
****
Ngồi uống cà phê ngẫm chuyện đời
Công hầu khanh tướng ví làng chơi
Ta nhìn thiên hạ phân cao thấp
Ta uống trà vui cũng thấy lời
Tuổi quá sáu mươi, đầu đã bạc
Ta về thanh thản với ta thôi
Vui vẻ sớm khuya trà với rượu
Giải trí on line ngắm sự đời!
(*) ý câu thơ trên của Cao Bá Quát


8. NGÔN TẠI Ý NGOẠI.
"Đời người, lúc mới sinh thì ngây thơ, lớn chút thì bồng bột hiếu kỳ, kẻ thích học người thích làm, đôi lúc ham vui hiếu thắng, rồi tùy người mà chọn hướng đường đi. Lúc trung niên thì tất bật lo toan, thuận thiên có tài thì phát, vô tài nghịch thiên thì bại, là người không có chí thì dở, mộng lớn mà chí nhỏ cũng thôi đi. Lúc về già nên bỏ phức tạp lấy đơn giản, nhìn theo thế sự, cố giữ tâm sen, yên tĩnh vô thường, như khe suối đổ về dòng sông, róc rách êm đềm, giản dị bình yên.”
Luôn mong hai chữ "bình yên" cho tôi, cho bạn và cho mọi người!
Thế nhân ơi, nhàn du du! 04.10.2020

9. HỘI UỐNG TRÀ (9.9.2020)
Bình minh nhất trản trà,
Hoàng hôn tam bôi tửu,
Bán dạ mộng tương nghì,
Lương y bất đáo gia !
(giờ nhập vào hội uống trà, mình thuộc lớp tuổi trẻ hihi).



10. TẶNG CÁC BẠN CŨ (22.11.2018)
Các bạn gặp nhau tuổi xế chiều
Mừng vui tâm thiện biết bao nhiêu
Bạn cũ Trường xưa thầy giáo cũ
Tri tân ôn cố tháng năm trôi
Phú quý song hành cùng lễ nghĩa
Danh thơm mong giữ được dài lâu
Tri kỷ bất cùng danh cao thấp
Nhất nhật tâm giao chuyện thế thời.






Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

CÂU CHUYỆN VỢ CHỒNG

Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.
Nhưng sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh.
Những điều khiến chị yêu anh trước đây, nay thấy quá đỗi bình thường. Chị là một phụ nữ nhạy cảm, dễ bị thương tổn trong tình yêu, khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, như bé gái thèm khát kẹo ngọt. Anh trái ngược với chị, ít nhạy cảm, và không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.
Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi “Tại sao”?. “Em cảm thấy mệt mỏi…!” – chị trả lời.
Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ, và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải. Sự im lặng của anh càng làm cho chị thất vọng, ngay cả lúc gặp tình huống khó khăn này cũng chẳng có biểu lộ gì?
Cuối cùng anh cũng lên tiếng:“Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”.
Ai đó đã nói đúng: “Rất khó khăn để thay đổi tính cánh của một con người”, và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời: “Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”. Anh đáp “ Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em…”.
Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa…. và chị bắt đầu đọc.
“Em yêu!
Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.
Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc.
“… Khi em sử dụng máy vi tính, anh luôn sắp xếp phần mềm cho em dễ sử dụng, và lúc em kêu lên khi có sự cố máy tính, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để giúp em phục hồi lại chương trình. Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em. Em thích đi du lịch, nhưng lại thường bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em. Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em dịu cơn đau…
Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán. Khi em luôn chăm chú vào màn hình vi tính, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em. Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em… Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em… nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết…/.”
Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh… Chị đọc tiếp: “…Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích…”.
Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, nhìn anh với cặp mắt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi… đó là cuộc sống và tình yêu.
Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán đó.
                                                                                                            

Sưu tầm trên mạng

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trong các nước tây âu, Israen, Nhật, Mỹ... và ngay cả Trung Quốc, sẽ nhấn chìm tất cả các dân tộc chậm phát triển, trong đó có Việt Nam. Sắp tới chúng ta chỉ có thể làm nô lệ thật sự cho họ nếu chúng ta không tự chủ được công nghệ, không tự lập lãnh đạo quốc gia. Quan trọng hơn, nếu không thay đổi cơ chế, luật pháp không công minh, không có chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế, không lựa chọn những tài năng thật sự phục vụ cho đất nước thì chắc chắn dân tộc ta sẽ bị đào thải, muôn đời làm trâu ngựa mà chưa chắc đã yên thân.
Hỡi các ông to bà lớn, nếu không có hành động cụ thể, không chịu thay đổi tư duy lạc hậu, chỉ chém gió linh tinh và ham ngồi ghế quyền lực mà tưởng mình to lớn. Nếu không tỉnh táo, đất nước sẽ suy tàn, lúc đó cả dân tộc lên tiếng nguyền rủa rồi các ông mới ân hận vớt vát vài câu xin lỗi muộn màng, rơi vài giọt lệ để mị dân. Thì lúc ấy đâu còn chỗ cao ghế tốt cho các ông, cũng không còn chỗ cho dân tộc sống trong bình yên nữa. Mong các ông hãy nhìn xa trông rộng mà nghĩ đến dân đến nước.
Ai trong số những ông to bà lớn mà lương tâm trong sáng, hãy dành thời gian để nghĩ cho dân cho nước đi. Những trí tuệ nhân tạo, những công nghệ nano, những sản phẩm và thực phẩm sản xuất từ scan 4D, những big data, tự động hóa ... đang thách thức sự tồn vong của dân tộc ta đấy, các ngài ạ. Đừng say sưa chiến thắng nữa, đừng nghĩ rằng mình trong sạch là đủ, đừng nghĩ rằng mình có quyền là đủ, là đứng trên thiên hạ mà huyễn hoặc nhân dân, cũng đừng nghĩ rằng thần phục TQ là bình yên.
Chỉ những kẻ tiểu nhân mới nghĩ rằng tiêu diệt được đối phương là thoải mái, là hả dạ trong lòng. Cái cảnh nồi da xáo thịt chỉ làm cho đất nước ta ngày càng lụn bại hơn, hệ thống pháp luật lằng nhằng khiến cho ai muốn nổi lên đều bị vi phạm. Ai không làm thì không có lỗi, ai làm càng nhiều thì lỗi càng nhiều. Những kẻ ngậm miệng ăn tiền thì vẫn có chỗ tốt ghế tốt và sướng phây phây.
Những luật pháp, nghị định, thông tư, quy chế, quy định .... nhiều khi chồng chéo, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế theo thể chế thị trường. Để ngay cả những người làm ăn chân chính, không dựa vào thế lực thì cũng không có cửa cho phát triển kinh tế. Những quan chức cỡ trung thì lằng nhằng những quy định quy chế xuống các doanh nghiệp trực thuộc, thích hoạch họe khoe khoang chức sắc, thích thị uy kiếm chác, thích ăn ngon mặc đẹp, thích đi xe ngon, ở khách sạn hạng sang nhưng vẫn leo lẻo rao giảng rằng phải tiết kiệm chi tiêu, phải hiệu quả kinh tế....
Cái thói đạo đức giả trong các ông to bà lớn đến khi nào mới chấm dứt được. Thì khi đó dân ta mới hy vọng phát lên được. Mà chấm dứt được chuyện đó thì vẫn có hướng đấy, nhưng có mấy ông nào dám xung phong từ bỏ quyền lợi của mình. Đất nước đang mong có một nhân tài xuất chúng để thay đổi tình trạng hiện nay của dân tộc.
Hy vọng !

Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

VẠN NGÔN THƯ

Bức vạn ngôn thư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là của Lê Cảnh Tuân, ông sinh ở Hải Dương, nguyên quán ở Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần và muốn phát triển đất nước, ông thay đổi một loạt chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi các công hầu khanh tướng và địa vị của các sĩ phu địa chủ nên nhiều người đã không đồng tình.

Lê Cảnh Tuân là một sĩ phu, ông bày mưu khuyên bạn thân là Bùi Bá Kỳ sang Bắc Kinh xin quân đánh Hồ phù Trần. Thời điểm này rất nhiều người khác cũng phản bội nhà Hồ và đất nước nhanh chóng bị nhà Minh chiếm đoạt.

Khi nhà Hồ thất bại Bùi Bá Kỳ được nhà Minh cho làm chức Hữu tham nghị. 

Lê Cảnh Tuân thất vọng vì biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần mà chỉ mượn cớ phù Trần duyệt Hồ để chiếm nước ta, ông viết “Vạn ngôn thư” (Bức thư một vạn chữ) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa.

Về sau, bức “vạn ngôn thư” đã bị nhà Minh thu giữ cùng với các bộ sách bí truyền của Trần Hưng Đạo như cuốn “ Binh thư yếu lược” và cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền” cùng nhiều bộ sách khác của Việt Nam.

Đại ý bức thư như sau:
....Nhà Minh đã sắc phong cho ngài theo quân họ sang đánh, chờ bắt được nhà Hồ, chọn lập con cháu họ Trần, gia thêm tước để giúp nước. Thế mà nay chỉ thấy họ lập ty Bố chánh, phong ngài tước cao, còn nhà Trần thì chỉ cho người quét dọn miếu thờ. Vậy nếu ngài có thể lại tâu lên, xét lời nói của các quan lại, kỳ lại bày tỏ việc con cháu họ Trần chưa tuyệt, để họ tuyên chiếu khác sắc phong cho họ Trần. Đấy là thượng sách. Không thể thì ngài xin thôi chức, chỉ xin làm viên quan coi miếu nhà Trần, đấy là trung sách. Còn nếu ngài nhận chức quan cao, ăn lộc nhiều, thì là hạ sách vậy. Như ngài theo thượng sách, thì tôi xin làm các vị nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì sung vào giỏ thuốc để cho ngài dùng. Theo trung sách thì tôi xin bưng khay chén đi lại trong miếu cũng để ngài sai bảo. Còn nếu theo hạ sách thì tôi sẽ đi cày ruộng nơi tịch mịch, nhàn hạ, để cho trọn những năm sống thừa mà thôi...

Sau đó, nhà Minh bắt hàng loạt thanh niên tuấn tú về Bắc Kinh bắt cung hình để làm thái giám hoặc làm nô dịch cho các nhà quyền quý, các thiếu nữ xinh đẹp thì làm nô tỳ, các chí sĩ và công thần đương thời có chút hiểu biết và công lao đều bị nhà Minh tìm cách quy tội để diệt trừ. Lê Cảnh Tuân và Bùi Bá Kỷ cũng không thoát tội. Thật xót xa cho những kẻ cõng rắn về nhà.

Nay nghĩ đến ông Bùi Hiền đang nghiên cứu thay đổi chữ Việt, không biết ông ta nghĩ đến cái chính chuyên của kẻ sĩ không hay lại nghĩ đến phận tôi đòi....?


Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

LÊ QUÝ ĐÔN GIAI THOẠI

Lê Quý Đôn được ghi nhận là nhà khoa học toàn năng của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, ông nổi tiếng thông minh và trí nhớ tuyệt vời, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, cái bụng chứa đầy kinh luân và mưu lược. Chúa Trịnh đã tặng ông bảy chữ là “ Thiên hạ vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là trong thiên hạ có điều gì chưa biết thì hỏi Quý Đôn.
Lấy làm hãnh diện, ông cho người khắc mấy chữ trên bảng gỗ sơn son thếp vàng “Vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là không biết gì thì hỏi Quý Đôn. Đi đâu cũng treo cái biển trước kiệu, tiền hô hậu ủng, dương dương tự đắc, tuổi còn trẻ, mới ngoài 30.
Một hôm trên đường kinh lý, một ông già tóc bạc có dáng nho gia phong nhã, tay cầm cần trúc, đứng chặn giữa đường mà rằng.
- Nghe danh quan lớn đã lâu, nay hân hạnh được hội ngộ và xin nhờ quan lớn một việc.
-Ông có việc gì nói ta nghe.
-Lão già này thân côi, một mình coi mảnh đất hương hỏa và nhà thờ tổ tông, con cháu vì cảnh nghèo, nên mỗi đứa một phương trời, mãi không thấy chúng nó về cho.
-Vậy thì có gì mà phải nhờ.
-Số là trong làng có thầy lý trưởng, bức bách muốn ép lão bán rẻ miếng đất, lão không muốn thất đức với tổ tông, thầy lý đang làm khó dễ.
-Lão cứ nói.
-Thầy lý ra câu đối, yêu cầu trong 7 ngày phải đối lại, nếu không đối được sẽ bị khép tội mạo danh nhà nho, câu đối như vầy:
“Ba ba mà nấu nồi ba, tam tam như cửu hỏi là chín chưa” Hôm nay là hạn chót, lão nhờ quan lớn đố giúp cho.
Quý Đôn nghe xong câu đối thấy bối rối, câu đối là vần thơ, lại có cả âm hán và âm nôm, số với chữ, cộng với nhân… Linh tính mách bảo cho ông rằng đây là vị cao nhân sống ẩn, bèn xuống kiệu thi lễ: Kẻ hậu bối còn trẻ, tính còn kiêu căng, không thấy núi thái sơn, nay hân hạnh gặp được tiên sinh, cúi xin vài lời chỉ dạy.
-Lão còn phải đi câu kiếm ăn, không dám làm phiền quan lớn. Vậy cái bảng kia treo để làm gì ?
-Quý Đôn xấu hổ, từ đó ông bỏ hẳn cái bảng khắc năm chữ “Vô tri vấn Quý Đôn”.
Vậy đấy, dù quyền cao chức lớn, nhưng kẻ sĩ ngày xưa luôn giữ gìn danh dự và luôn tôn trọng những cái đúng. Không như thời nay, như bà Đoàn Hương vừa rồi, có một tý bằng cấp mà đã coi thường thiên hạ.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

HỌA BÀI "CẦM KỲ THI TỬU"

Muốn được vinh danh phải có tài 
Mục tiêu phấn đấu...tránh ăn chơi 
Tuổi hơn ba chục thành thư lại 
Mệnh quá 70 đã hết thời 
Sao còn lý luận trong tê tái 
Danh đã thế rồi muốn nữa chăng? 
Cầm kì thi tửu' bao lâu nữa 
Khua trống cầm canh được mấy hồi?... 
Về đi kẻo có thằng phản phé

Nó cắt dây dăng lại chìm bè



Lấy ngẫu hứng từ bài họa của Thiềng Đức họa bài thơ "Cầm kỳ thi tửu" của Nguyễn Công Trứ. Một nhà nho tài văn võ song toàn.

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

TRUYỆN CÓ THẬT

Năm 1892 TẠI ĐẠI HỌC STANFORD, Một sinh viên nghèo đang gặp khó khăn về học phí. Hết cách, cậu ta kéo theo một người bạn khác quyết định tổ chức buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.
Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm tài danh là Ignacy J. Paderewski. (ông là người Ba Lan).
Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $ 2.000 cho buổi biểu diễn. Sau khi thỏa thuận xong, hai sinh viên bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho buổi trình diễn được thành công.
Buổi hòa nhạc đã đến. Paderewski biểu diễn tại Stanford. Không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết, họ chỉ có được $ 1.600. Quá thất vọng, họ đến gặp Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền cùng với giấy biên nợ $ 400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.
KHÔNG ! Paderewski nói. “không thể nào chấp nhận được”. Ông ta xé tờ giấy biên nhận nợ, trả lại $ 1.600 cho hai sinh viên và nói : “Đây là 1.600 đô, sau khi trừ hết các chi phí cho buổi biểu diễn, còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi”. Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski.
Một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách của Paderewski….
Hơn 20 năm sau, người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo nhiệt huyết, nhưng không may chiến tranh thế giới thứ 1 vừa kết thúc và Ba Lan bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người đang bị chết đói. Ngân khố chính phủ không còn tiền để có thể nuôi sống họ. Paderewski hết cách và cuối cùng, ông ta đến thẳng Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.
Người đứng đầu cơ quan đó là Herbert Hoover , người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi nhiều tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy.
Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ông quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chí cao quý, đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn. Thế nhưng khi Paderewski định nói vài lời cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói : “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhiều năm trước, có lần ngài đã giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy ”.