Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

VẠN NGÔN THƯ

Bức vạn ngôn thư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là của Lê Cảnh Tuân, ông sinh ở Hải Dương, nguyên quán ở Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần và muốn phát triển đất nước, ông thay đổi một loạt chính sách ảnh hưởng đến quyền lợi các công hầu khanh tướng và địa vị của các sĩ phu địa chủ nên nhiều người đã không đồng tình.

Lê Cảnh Tuân là một sĩ phu, ông bày mưu khuyên bạn thân là Bùi Bá Kỳ sang Bắc Kinh xin quân đánh Hồ phù Trần. Thời điểm này rất nhiều người khác cũng phản bội nhà Hồ và đất nước nhanh chóng bị nhà Minh chiếm đoạt.

Khi nhà Hồ thất bại Bùi Bá Kỳ được nhà Minh cho làm chức Hữu tham nghị. 

Lê Cảnh Tuân thất vọng vì biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần mà chỉ mượn cớ phù Trần duyệt Hồ để chiếm nước ta, ông viết “Vạn ngôn thư” (Bức thư một vạn chữ) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa.

Về sau, bức “vạn ngôn thư” đã bị nhà Minh thu giữ cùng với các bộ sách bí truyền của Trần Hưng Đạo như cuốn “ Binh thư yếu lược” và cuốn “Vạn kiếp tông bí truyền” cùng nhiều bộ sách khác của Việt Nam.

Đại ý bức thư như sau:
....Nhà Minh đã sắc phong cho ngài theo quân họ sang đánh, chờ bắt được nhà Hồ, chọn lập con cháu họ Trần, gia thêm tước để giúp nước. Thế mà nay chỉ thấy họ lập ty Bố chánh, phong ngài tước cao, còn nhà Trần thì chỉ cho người quét dọn miếu thờ. Vậy nếu ngài có thể lại tâu lên, xét lời nói của các quan lại, kỳ lại bày tỏ việc con cháu họ Trần chưa tuyệt, để họ tuyên chiếu khác sắc phong cho họ Trần. Đấy là thượng sách. Không thể thì ngài xin thôi chức, chỉ xin làm viên quan coi miếu nhà Trần, đấy là trung sách. Còn nếu ngài nhận chức quan cao, ăn lộc nhiều, thì là hạ sách vậy. Như ngài theo thượng sách, thì tôi xin làm các vị nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì sung vào giỏ thuốc để cho ngài dùng. Theo trung sách thì tôi xin bưng khay chén đi lại trong miếu cũng để ngài sai bảo. Còn nếu theo hạ sách thì tôi sẽ đi cày ruộng nơi tịch mịch, nhàn hạ, để cho trọn những năm sống thừa mà thôi...

Sau đó, nhà Minh bắt hàng loạt thanh niên tuấn tú về Bắc Kinh bắt cung hình để làm thái giám hoặc làm nô dịch cho các nhà quyền quý, các thiếu nữ xinh đẹp thì làm nô tỳ, các chí sĩ và công thần đương thời có chút hiểu biết và công lao đều bị nhà Minh tìm cách quy tội để diệt trừ. Lê Cảnh Tuân và Bùi Bá Kỷ cũng không thoát tội. Thật xót xa cho những kẻ cõng rắn về nhà.

Nay nghĩ đến ông Bùi Hiền đang nghiên cứu thay đổi chữ Việt, không biết ông ta nghĩ đến cái chính chuyên của kẻ sĩ không hay lại nghĩ đến phận tôi đòi....?


Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

LÊ QUÝ ĐÔN GIAI THOẠI

Lê Quý Đôn được ghi nhận là nhà khoa học toàn năng của Việt Nam trong thời kỳ phong kiến, ông nổi tiếng thông minh và trí nhớ tuyệt vời, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, cái bụng chứa đầy kinh luân và mưu lược. Chúa Trịnh đã tặng ông bảy chữ là “ Thiên hạ vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là trong thiên hạ có điều gì chưa biết thì hỏi Quý Đôn.
Lấy làm hãnh diện, ông cho người khắc mấy chữ trên bảng gỗ sơn son thếp vàng “Vô tri vấn Quý Đôn”. Nghĩa là không biết gì thì hỏi Quý Đôn. Đi đâu cũng treo cái biển trước kiệu, tiền hô hậu ủng, dương dương tự đắc, tuổi còn trẻ, mới ngoài 30.
Một hôm trên đường kinh lý, một ông già tóc bạc có dáng nho gia phong nhã, tay cầm cần trúc, đứng chặn giữa đường mà rằng.
- Nghe danh quan lớn đã lâu, nay hân hạnh được hội ngộ và xin nhờ quan lớn một việc.
-Ông có việc gì nói ta nghe.
-Lão già này thân côi, một mình coi mảnh đất hương hỏa và nhà thờ tổ tông, con cháu vì cảnh nghèo, nên mỗi đứa một phương trời, mãi không thấy chúng nó về cho.
-Vậy thì có gì mà phải nhờ.
-Số là trong làng có thầy lý trưởng, bức bách muốn ép lão bán rẻ miếng đất, lão không muốn thất đức với tổ tông, thầy lý đang làm khó dễ.
-Lão cứ nói.
-Thầy lý ra câu đối, yêu cầu trong 7 ngày phải đối lại, nếu không đối được sẽ bị khép tội mạo danh nhà nho, câu đối như vầy:
“Ba ba mà nấu nồi ba, tam tam như cửu hỏi là chín chưa” Hôm nay là hạn chót, lão nhờ quan lớn đố giúp cho.
Quý Đôn nghe xong câu đối thấy bối rối, câu đối là vần thơ, lại có cả âm hán và âm nôm, số với chữ, cộng với nhân… Linh tính mách bảo cho ông rằng đây là vị cao nhân sống ẩn, bèn xuống kiệu thi lễ: Kẻ hậu bối còn trẻ, tính còn kiêu căng, không thấy núi thái sơn, nay hân hạnh gặp được tiên sinh, cúi xin vài lời chỉ dạy.
-Lão còn phải đi câu kiếm ăn, không dám làm phiền quan lớn. Vậy cái bảng kia treo để làm gì ?
-Quý Đôn xấu hổ, từ đó ông bỏ hẳn cái bảng khắc năm chữ “Vô tri vấn Quý Đôn”.
Vậy đấy, dù quyền cao chức lớn, nhưng kẻ sĩ ngày xưa luôn giữ gìn danh dự và luôn tôn trọng những cái đúng. Không như thời nay, như bà Đoàn Hương vừa rồi, có một tý bằng cấp mà đã coi thường thiên hạ.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

HỌA BÀI "CẦM KỲ THI TỬU"

Muốn được vinh danh phải có tài 
Mục tiêu phấn đấu...tránh ăn chơi 
Tuổi hơn ba chục thành thư lại 
Mệnh quá 70 đã hết thời 
Sao còn lý luận trong tê tái 
Danh đã thế rồi muốn nữa chăng? 
Cầm kì thi tửu' bao lâu nữa 
Khua trống cầm canh được mấy hồi?... 
Về đi kẻo có thằng phản phé

Nó cắt dây dăng lại chìm bè



Lấy ngẫu hứng từ bài họa của Thiềng Đức họa bài thơ "Cầm kỳ thi tửu" của Nguyễn Công Trứ. Một nhà nho tài văn võ song toàn.

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

TRUYỆN CÓ THẬT

Năm 1892 TẠI ĐẠI HỌC STANFORD, Một sinh viên nghèo đang gặp khó khăn về học phí. Hết cách, cậu ta kéo theo một người bạn khác quyết định tổ chức buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.
Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm tài danh là Ignacy J. Paderewski. (ông là người Ba Lan).
Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $ 2.000 cho buổi biểu diễn. Sau khi thỏa thuận xong, hai sinh viên bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho buổi trình diễn được thành công.
Buổi hòa nhạc đã đến. Paderewski biểu diễn tại Stanford. Không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết, họ chỉ có được $ 1.600. Quá thất vọng, họ đến gặp Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền cùng với giấy biên nợ $ 400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.
KHÔNG ! Paderewski nói. “không thể nào chấp nhận được”. Ông ta xé tờ giấy biên nhận nợ, trả lại $ 1.600 cho hai sinh viên và nói : “Đây là 1.600 đô, sau khi trừ hết các chi phí cho buổi biểu diễn, còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi”. Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski.
Một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách của Paderewski….
Hơn 20 năm sau, người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo nhiệt huyết, nhưng không may chiến tranh thế giới thứ 1 vừa kết thúc và Ba Lan bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người đang bị chết đói. Ngân khố chính phủ không còn tiền để có thể nuôi sống họ. Paderewski hết cách và cuối cùng, ông ta đến thẳng Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.
Người đứng đầu cơ quan đó là Herbert Hoover , người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi nhiều tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy.
Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ông quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chí cao quý, đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn. Thế nhưng khi Paderewski định nói vài lời cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói : “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhiều năm trước, có lần ngài đã giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy ”.

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

BÀI HỌC ỨNG XỬ


Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên nghèo, người Nauy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Pari nổi tiếng.
Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh. Anh ta chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe. Cuối cùng anh ta nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền lẻ ra và bỏ vào hộp đàn.
Có một tên ngạo mạn khinh thường anh ta và ném vài đồng tiền xuống dưới chân của người thanh niên.
Người thanh niên nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, đưa cho người đó và nói: “Thưa ngài, tiền của ngài rơi xuống đất này”. Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống chân và nói: “Tiền này đã là của ngươi rồi, ngươi phải nhận lấy”.
Người thanh niên nhìn người ngạo mạn rồi hơi cúi xuống cám ơn và nói: “Thưa ngài, cảm ơn sự giúp đỡ của ngài, vừa rồi tiền của ngài rơi xuống đất, tôi đã cúi xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi”.
Người ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, cuối cùng ông ta cũng cuối xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt.
Những người vây xung quanh đều yên lặng, theo dõi người thanh niên với ánh mắt tò mò, thiện cảm và ngạc nhiên, người ngạo mạn đó chính là vị giám khảo đã loại bỏ anh ta vào học nhạc viện. Sau đó, vị giám khảo đã thay đổi định kiến và đưa chàng thanh niên về học tại học viện. Chàng thanh niên này tên là Bill Sardinia.
Trong cuộc sống có thời điểm mà chúng ta lâm vào ngưỡng thấp nhất của cuộc đời, có thể sẽ gặp phải một số sự khinh thường vô duyên vô cớ. Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời.
Phản kháng lại sự xúc phạm là điều chắc chắn, nhưng phụ thuộc vào tư duy và văn hóa, nếu phản ứng mạnh mẽ với những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn. Chúng ta không dùng ý chí để phản kháng, mà nhẹ nhàng khoan dung độ lượng để đối đãi cũng có thể bảo vệ được danh dự của mình. Dù là ai, khi đứng trước chính nghĩa thì không thể biện minh cho sự cao ngạo. Đôi khi “cúi xuống nhặt lên” lại thể hiện phẩm chất vô giá của bạn!
SƯU TẦM