Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

LÒNG KIÊN TRÌ

Nhân dịp chuẩn bị năm học mới, xin tặng các quý thầy cô giáo.
(Tự truyện của một cô giáo)
Tôi là cựu giáo viên dạy nhạc tại một trường tiểu học ở DeMoines. Trong 30 năm, tôi đã gặp nhiều trẻ em có khả năng về âm nhạc ở nhiều cấp độ khác nhau. Thật lòng tôi chưa bao giờ có hứng thú dạy nhạc cho học sinh kém năng khiếu. Tuy nhiên có một trường hợp tôi đã dành nhiều thời gian và cũng đã chán nản bội phần, học sinh mà tôi gọi là "trơ nhạc". đó là Robby.

Robby đã 11 tuổi khi mẹ cậu thả vào lớp học dương cầm. Tôi thích những học sinh (đặc biệt là những cậu bé) bắt đầu ở lứa tuổi nhỏ hơn, và nói điều đó với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ cậu luôn luôn mơ ước được nghe cậu chơi dương cầm. Vì vậy tôi đã nhận cậu vào học. Thế là Robby bắt đầu những bài học dương cầm đầu tiên và tôi nghĩ rằng đó là sự cố gắng vô vọng. Robby càng cố gắng, càng thiếu năng khiếu cảm thụ âm nhạc cần thiết để tiến bộ. Nhưng cậu rất nghiêm túc trong việc ôn lại những bài học và những bản nhạc sơ đẳng mà tôi yêu cầu tất cả các học sinh của mình. Sau nhiều tháng ròng rã, cậu miệt mài cố gắng và tôi vẫn cứ lắng nghe và cố động viên cậu. Cứ hết mỗi bài học hàng tuần, cậu luôn nói: "Một ngày nào đó mẹ em sẽ đến đây để nghe em chơi đàn". Nhưng điều đó dường như vô vọng vì năng khiếu khiêm tốn trong học tập của cậu. Tôi chỉ thấy mẹ cậu từ xa mỗi lần đến đón cậu trong một chiếc xe hơi cũ mèm. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ ở lại lâu (bà sống một mình).

Một ngày nọ Robby không đến học nữa, có lẽ cậu đã quyết định theo đuổi một con đường khác. Tôi cũng vui khi cậu không đến nữa vì có thể ảnh hưởng đến thành tích giảng dạy của mình! Vài tuần sau, tôi gởi đến những học sinh tờ thông báo chuẩn bị cho buổi diễn tấu sắp tới. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Robby điện đến hỏi xin cho tham dự biểu diễn. Tôi bảo, buổi diễn chỉ dành cho học sinh đang học, cậu đã thôi học nên sẽ không đủ khả năng thực hiện. Cậu nói, mẹ đang ốm và không thể chở cậu đi học nữa, nhưng em vẫn luôn luyện tập. "Cô Hondorf… cô cho em diễn một lần thôi…", cậu nài nỉ. Có điều gì đã xui khiến tôi. Có thể là cậu đã tha thiết quá, hoặc là một linh tính đã mách bảo rằng điều đó là đúng.Tôi đồng ý!

Đêm biểu diễn đến. Trong hội trường đông nghịt những phụ huynh, bạn bè và họ hàng. Tôi bố trí cho Robby ở cuối chương trình, nếu có gì không hay, tôi sẽ xuất hiện để "chữa cháy" và cảm ơn những học sinh đã trình diễn để kết thúc chương trình. Buổi biểu diễn trôi qua không một trở ngại nào. Những học sinh đã luyện tập nhuần nhuyễn và trình bày rất tốt. Thế rồi Robby bước ra sân khấu. A? quần cậu nhàu nát và mái tóc như tổ quạ!!!

"Tại sao cậu lại không ăn vận như những học sinh khác nhỉ? Tại sao mẹ cậu không chải tóc cho cậu vào cái đêm đặc biệt như thế này chứ? "???

Robby mở nắp đàn lên và bắt đầu. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu chọn bản nhạc Concerto số 21 cung Đô trưởng của Mozart và hoàn toàn bất ngờ khi nghe những gì tiếp theo đó. Những ngón tay của cậu lấp lánh, nhảy múa trên những phím đàn. Cậu đã chơi những giai điệu từ nhẹ nhàng êm dịu đến hùng tráng… Bản nhạc thật có hồn trong sự phối âm tuyệt vời của nhạc Mozart. Chưa bao giờ tôi nghe một đứa trẻ ở tuổi ấy trình bày nhạc Mozart hay đến thế. Sau 6 phút rưỡi cậu đã kết thúc trong một âm thanh huy hoàng mạnh mẽ và mọi người đều đứng lên vỗ tay. Không nén được lệ tràn trong mắt, tôi chạy lên sân khấu và vòng tay ôm lấy Robby trong hạnh phúc: "Cô chưa bao giờ nghe em chơi hay như thế Robby ạ. Làm sao em có thể làm được điều đó? ". Robby giải thích qua chiếc micro "Thưa cô Hondorf… cô có nhớ là em đã kể rằng mẹ em đang ốm? Thực ra, mẹ em đã bị ung thư và qua đời sáng nay. Mẹ em bị điếc bẩm sinh vì vậy đêm nay là đêm đầu tiên mẹ em nghe thấy em đàn. Em muốn làm điều gì đó thật là đặc biệt".

Tối hôm ấy, trong hội trường không đôi mắt nào không nhỏ lệ. Khi những người ở Trại Xã Hội đưa cậu từ sân khấu trở về trại mồ côi, tôi nhận thấy mắt họ đỏ và sưng mọng. Tôi chợt nghĩ, đời tôi nhiều ý nghĩa biết bao khi đã từng có một học sinh như Robby. Tôi chưa bao giờ muốn nhận một học sinh nào "cần nâng đỡ", nhưng đêm đó tôi là người được nâng đỡ bởi Robby. Cậu là thầy và tôi chỉ là một học trò. Bởi vì cậu đã dạy cho tôi ý nghĩa của sự kiên trì, của tình yêu và niềm tin trong chính con người của chúng ta. Nếu vô tâm, ta có thể làm cho người khác mất cơ hội mà chúng ta không biết.

Nguồn Reader’s Digest      Nhị Tường dịch

21 nhận xét:

  1. Hay thật với nhiều góc cạnh đầy ý nghĩa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn HHP nhiều, thời gian qua gặp nhiều bất trắc, kg duy trì blog được.

      Xóa
  2. Đừng bỏ blog nhe sato! Bạn cứ như thế này là tốt rồi. Giáo rất vui khi gặp lại bạn ở trang blog này! Chúc vui khỏe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn, thấm tâm tư của bạn cũng nhiều uẩn khúc nhỉ?

      Xóa
  3. Cám ơn anh Sato có lời khen tặng ngôi nhà nhỏ tím tím của Trang...xin vui được giao lưu cùng anh Sato.

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết ý nghĩa. Quanh ta đâu đó vẫn còn những yêu thương...
    Chúc bạn nhiều niềm vui!

    Trả lờiXóa
  5. Bài này thật hay và xúc động lắm anh Sato à, em chúc mừng Anh trở lại Blog.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cảm ơn em gái nhiều, nhưng tác giả kg phải là anh.

      Xóa
    2. Thì em và mọi người cám ơn Anh đã chia sẻ 1 bài rất hay, em có nói Anh là tác giả đâu...Hihi

      Xóa
  6. Bài này hay quá Sato ... Cảm ơn anh nhiều lắm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lâu rồi lại mới thấy bóng giai nhân, cảm ơn em.

      Xóa
  7. Bài viết thật xúc động. Tình yêu của người con đối với mẹ mình đáng quí xiết bao. Chỉ một bài viết thật ngắn mà mang lại cho người đọc bao nhiêu cảm xúc và những nghĩ suy. Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết này.

    Trả lờiXóa
  8. Bài viết này PL đã đọc nhiều lần và cũng đã từng kể cho HS của mình nghe. Nhưng lần nào đọc lại cũng thấy xúc động. Cảm ơn bạn nhiều nha!

    Trả lờiXóa
  9. HS cũng là 1 GV, chưa bao giờ thôi hy vọng về 1 đứa trẻ nào. Có em đọc rất yếu, nhưng lại hát say sưa trong giờ Âm nhạc. Có em học giỏi, nhưng lại lúng túng trong giờ Thủ công...Nhiệm vụ của mình là phát huy tiềm năng của trẻ, không quên hoàn cảnh gia đình của các em. Một HS luôn "bẩn thỉu" khi đến lớp, đó là vì em không được chăm sóc và dạy cách giữ vệ sinh ở nhà. Và, còn vô số những trường hợp khác luôn cần đến người thầy...

    Trả lờiXóa